1. Đại cương
Làm trắng da là một thực hành lâu đời gắn liền với một số xã hội. Tập quán cổ xưa này có thể bắt nguồn từ thế kỉ 16. Ở các nước châu Á, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, làn da sáng và đều màu biểu thị cho sắc đẹp. Ở châu Phi, người ta làm sáng da vì nhiều lí do: từ thẩm mỹ, tâm lý và xã hội học cho đến động cơ chính trị và kinh tế. Ngoài việc tạo màu da đều và sáng, các chất làm trắng da còn được sử dụng để chống lão hóa và dưỡng da.
Hầu hết các thành phần có hoạt tính làm sáng da đều thông qua việc ức chế một hoặc nhiều bước trong quá trình trưởng thành và phân bố các tế bào hắc tố. Các thuốc như: corticoids, hydroquinone, monobenzyl hydroquinone, tretinoin và muối thủy ngân có hiệu lực cao trong vấn đề này. Các thuốc này, ngoại trừ thủy ngân, thường được các bác sĩ Da liễu sử dụng để điều trị các tổn thương sắc tố da như tăng sắc tố sau viêm, rám má và đồi mồi.
2. Cơ chế hoạt động của các chất làm trắng da
Sự giảm sắc tố da (làm trắng) có thể đạt được bằng cách can thiệp trước, trong hoặc sau quá trình tổng hợp melanin. Vì tyrosinase (TYR) là một enzyme quan trọng trong quá trình hình thành hắc tố, nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giảm sắc tố. Do đó, nó là một mục tiêu trong quá trình khử sắc tố. Sự giảm sắc tố da cũng có thể xảy ra bằng cách điều chỉnh thụ thể melanocortin-1 (MC1R), loại bỏ các gốc oxy hoạt động (ROS), ức chế vận chuyển melanosome hoặc bằng cách tăng cường phân tán melanin.
Bảng 1: Vị trí tác dụng và các thuốc bôi làm trắng da thường dùng
(Nguồn: Desmedt B, Courselle P, De Beer JO, et al. Overview of skin whitening agents with an insight into the illegal cosmetic market in Europe. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2016;30(6):943-950. doi:10.1111/jdv.13595).
Hình 1: Cấu trúc hóa học khác nhau của các thành phần giảm sắc tố da và cơ chế tác động
2.1 Điều chỉnh tyrosinase
Hydroquinone (HQ) là một chất hydroxyphenol, có tự nhiên trong thực vật và thực phẩm, chẳng hạn như cà phê, quả việt quất. Do cấu trúc tương tự với tyrosinase, HQ có thể hoạt động như một chất nền thay thế cho TYR. Phản ứng này tạo ra ROS, được cho là nguyên nhân không chỉ gây ra một số tác dụng phụ với HQ, mà còn gây ra tổn thương oxy hóa của TYR, giải thích tác dụng làm sáng da.
Hiệu quả của HQ đã được chứng minh qua một số thử nghiệm lâm sàng, trở thành tiêu chuẩn vàng trong điều trị các tổn thương sắc tố. Trong y tế, nồng độ thường sử dụng là từ 1 đến 5%, với nồng độ 2% là thường được sử dụng nhất. Cần phải theo dõi vì các tác dụng không mong muốn là hay gặp.
Các tác dụng phụ cấp tính được báo cáo thường là viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc dị ứng. Sử dụng lâu dài dẫn đến biến đổi màu móng, chậm lành thương, ochronosis ngoại sinh. Bởi vì HQ gây ra sự giảm sắc tố có thể đảo ngược, người dùng buộc phải sử dụng nó liên tục để duy trì tông màu da sáng, điều này làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.
Hình 2: Hình ảnh bên trái cho thấy bàn tay giảm sắc tố do thoa kem làm giảm sắc tố (HQ) lên mặt mà không rửa tay sau khi thoa. Hình ở giữa cho thấy có rạn da vùng cổ. Hình bên phải cho thấy da bị tẩy trắng toàn bộ các nếp gấp với teo da rõ rệt và rạn da nặng. Cả hai đều do lạm dụng kem clobetasol propionate.
Monobenzylether hydroquinone (MBEHQ) là một chất ức chế mạnh quá trình hình thành hắc tố, nhưng việc sử dụng nó bị hạn chế vì nó phá hủy tế bào sắc tố ngay cả ở các vị trí không tiếp xúc. Do đó, tác nhân này thường được sử dụng trên lâm sàng điều trị các bệnh nhân nặng không đáp ứng với liệu pháp phục hồi sắc tố.
Khi tiếp xúc với da, MBEHQ được chuyển hóa bởi TYR và tạo ra quinone-haptens và ROS. ROS gây ra sự phá hủy hoại tử các tế bào sắc tố và tăng cường phản ứng miễn dịch gây ra bởi quinine-haptens, là nguyên nhân gây ra sự giảm sắc tố lan tỏa.
Bởi vì sự giảm sắc tố là không thể phục hồi, MBEHQ không được sử dụng trong mỹ phẩm.
Thủy ngân có thể có trong mỹ phẩm dưới dạng muối vô cơ hoặc hữu cơ.
Thủy ngân vô cơ thường được sử dụng trong các sản phẩm làm sáng da (như thủy ngân ammoniat, thủy ngân clorua và thủy ngân iod). Xà phòng thường chứa thủy ngân iod ở nồng độ 1-3% và các loại kem chứa thủy ngân amoni 1-10%. Thủy ngân vô cơ dễ dàng hấp thụ qua da, nơi nó tạo ra hiệu ứng làm sáng da thông qua cạnh tranh với ion đồng của TYR. Các sản phẩm chứa thủy ngân rất độc và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tác dụng không mong muốn tại chỗ gồm: nóng rát, viêm da tiếp xúc, đổi màu móng và sắc tố xanh/đen trên da. Thủy ngân thải trừ chủ yếu qua thận và sau khi tiếp xúc nhiều lần, có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn mạn tính như đổi màu thủy tinh thể, run, yếu cơ, vị kim loại và độc thận. Thủy ngân cũng có thể vận chuyển qua rau thai và sữa mẹ, dẫn đến đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng thận và thần kinh ở trẻ sơ sinh.
Kojic acid (KOJ) là một dẫn xuất của nấm ưa nước tự nhiên từ vi khuẩn aspergillus thường được sử dụng ở châu Á. Hiệu quả làm trắng được thực hiện qua quá trình tạo phức vòng càng cua (chelation) với nguyên tử đồng trong TYR. Nồng độ tiêu chuẩn được sử dụng trong các chế phẩm mỹ phẩm là 1%, nhưng tối đa có thể lên đến 4%. Hiệu quả đã được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng. Các tác dụng không mong muốn: ban đỏ, châm chích và chàm tiếp xúc. Dạng KOJ 1% là an toàn cho người dùng khi thoa lên mặt và tay.
Arbutin (ARB) là một b-D glucopyranoside tự nhiên của HQ có thể được tìm thấy trong cây dâu gấu (bearberry Arctostaphylos uva ursi plant) và nó được sử dụng ở Nhật Bản để điều trị các chứng rối loạn sắc tố. So với HQ, nó cũng có cấu trúc tương tự như một chất nền gây ra sự ức chế TYR. Liên kết glycosidic của ARB hạn chế sự xâm nhập của nó qua da. Do đó, một số dẫn xuất của ARB đã được tổng hợp bao gồm a-arbutin và deoxy-arbutin để khắc phục vấn đề này. Tính an toàn của ARB cũng liên quan đến liên kết glycosidic này vì quá trình thủy phân của nó giải phóng HQ trong quá trình bảo quản sản phẩm hoặc bởi hệ vi khuẩn khi bôi trên da.
Aloesin là một dẫn xuất flavonoid, được phân lập từ cây nha đam, cũng có tác dụng ức chế TYR. Nó là một chất đầy hứa hẹn cho mỹ phẩm vì nó xâm nhập vào da tối thiểu do bản chất ưa nước và trọng lượng phân tử cao. Hiệu quả của aloesin trong ngăn cản tia UV gây ra tăng sắc tố được thấy ở người tình nguyện.
Alpha lipoic acid (LA) là một acid béo chứa lưu huỳnh điều chỉnh sắc tố da dựa trên một số cơ chế: khi tiếp xúc với da, nó bị khử thành acid dehydroxylipoic (DHLA), một chất chống oxy hóa mạnh. Cả LA và DHLA làm sáng màu da bằng cách giảm biểu hiện của MITF. Các tác dụng làm sáng da khác là qua đặc tính chống oxy hóa độc lập với biểu hiện của MITF.
2.2 Điều chỉnh thụ thể melanocortin-1 (MC1R)
Corticosteroids đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị tăng sắc tố da như rám má mà không gây phá hủy tế bào hắc tố. Điều này giải thích bản chất tác dụng thoáng qua của nó. Cơ chế gây giảm sắc tố do steroid gây ra là ức chế tiền chất α-MSH, dẫn đến ít hoạt hóa MC1R hơn kéo theo giảm kích thích hình thành sắc tố.
Các tác dụng không mong muốn thường gặp bao gồm: teo da, mụn trứng cá do steroid, bội nhiễm vi khuẩn, nấm và rạn da. Do tác dụng ngắn hạn của corticoid, nhiều người sử dụng xảy ra chứng nghiện corticoid. Sử dụng các sản phẩm này thường xuyên trên một diện tích da lớn có thể dẫn đến các tác dụng phụ toàn thân bao gồm ức chế trục dưới đồi – yên – thượng thận, hội chứng Cushing và tăng huyết áp.
2.3 Dọn dẹp các gốc oxy hóa hoạt động (ROS)
ROS – được tạo thành do các tia UV – kích thích quá trình hình thành sắc tố. Do đó, các tác nhân có thể loại bỏ ROS, can thiệp vào các phản ứng hình thành hắc tố oxy hóa để làm sáng da. Khả năng này cũng có thể do acid alpha lipoic (LA).
Acid Ascorbic (AsA) là một chất chống oxy hóa, bị oxy hóa nhanh và phân hủy trong nước. Do đó, các este ổn định hơn như magie-I ascorbyl-2-phosphat (MAP) đã được phát triển. MAP thâm nhập vào biểu bì hiệu quả hơn AsA do tính chất ưa béo của nó. Phosphatase có trong da chuyển hóa MAP thành AsA, ngăn chặn quá trình hình thành hắc tố phụ thuộc vào tia UV thông qua hoạt động chống oxy hóa.
2.4 Ngăn chặn vận chuyển các melanosome
Nicotinamide là dạng hoạt động sinh lý của vitamin B3. Nó được biết là có tác dụng làm sáng da, không phải do ức chế TYR hoặc làm tăng sinh tế bào sừng, mà bằng cách hạn chế việc vận chuyển các melanosome từ tế bào sắc tố sang các tế bào sừng xung quanh. Nicotinamide được chứng minh là một chất làm sáng da hiệu quả và có khả năng dung nạp cao hơn và ít tác dụng phụ hơn HQ.
2.5 Phân tán melanin và tăng tốc độ thay da
Tretinoin (tất cả các trans acid retinoid, RA) là một chất khử sắc tố có tác dụng kép. Nó thúc đẩy sự gia tăng của tế bào sừng và do đó làm tăng tốc độ thay da. Hiệu ứng này làm phân tán các hạt melanin trong lớp biểu bì, dẫn đến làm da sáng màu hơn. Hơn nữa, RA làm giảm sự kết dung của các tế bào sừng dẫn đến tăng bong vảy da, làm cho sự xâm nhập của các chất làm trắng da đi kèm tốt hơn. Đối với tình trạng bệnh lý, RA thường kết hợp với corticoid và HQ, hay được gọi là công thức Kligman. Hiệu quả của sự kết hợp này tốt hơn so với từng tác nhân riêng biệt.
Các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của RA là bong vảy, ban đỏ và tăng nguy cơ cháy nắng. Các nghiên cứu trên động vật và một số case lâm sàng đã chứng minh nguy cơ gây quái thai.
Alpha hydroxy acid (AHA) được đặc trưng bởi một nhóm hydroxyl (OH) ở vị trí alpha của một nhóm carboxyl (COO). Cấu trúc đơn giản nhất là acid glycolic, tiếp theo là acid latic. Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh hiệu quả của AHA đối với da thô ráp và sạm màu, thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi AHA trong mỹ phẩm. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là ban đỏ, bong vảy, ngứa và châm chích trên da, đặc biệt là tăng độ nhạy cảm với tia UV. Do đó, nồng độ AHA được khuyến cáo không quá 10% với pH không được thấp hơn 3,5.
Acid glycolic và acid lactic có thể được sử dụng an toàn ở mức tối đa 4% (pH ≥3,8) và 2,5% (pH≥5,0) tương ứng.
Acid salicylic (SA) thường được sử dụng trong mỹ phẩm kết hợp với AHA. SA là một beta hydroxy acid (BHA) trong đó nhóm hydroxyl (OH) và cacboxyl (COO) liên kết trực tiếp với vòng benzene thơm. Cơ chế hoạt động chính xác vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng người ta tin rằng SA có 2 cơ chế chính: phân tán sắc tố nhanh chóng và ức chế trực tiếp TYR. SA an toàn trong các sản phẩm với nồng độ đến 2%.
Các tác nhân như AHA hay SA còn làm đẩy nhanh sự đổi mới của da và do đó tạo kiện cho các chất khác xâm nhập.
Kết luận
Thuốc bôi làm trắng da không chỉ được sử dụng bởi bác sĩ Da liễu để điều trị tổn thương sắc tố mà còn được sử dụng trong mỹ phẩm làm trắng da, chống lão hóa và giảm nếp nhăn. Tuy nhiên, do các tác dụng phụ có thể gặp, việc sử dụng các loại thuốc này nên có sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ Da liễu.
Tài liệu tham khảo
1. Desmedt B, Courselle P, De Beer JO, et al. Overview of skin whitening agents with an insight into the illegal cosmetic market in Europe. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2016;30(6):943-950. doi:10.1111/jdv.13595
2. Parvez S, Kang M, Chung H-S et al. Survey and mechanism of skin depigmenting and lightening agents. Phytother Res 2006; 20: 921–934.
3. Videira IFDS, Moura DFL, Magina S. Mechanisms regulating melanogenesis. An Bras Dermatol 2013; 88: 76–83
4. Briganti S, Camera E, Picardo M. Chemical and instrumental approaches to treat hyperpigmentation. Pigment Cell Res 2003; 16: 101–110
5. Petit A, Cohen-Ludmann C, Clevenbergh P, Bergmann J, Dubertret L. Skin lightening and its complications among African people living in Paris. J Am Acad Dermatol 2006; 55: 873–878.
Viết bài: THS.BS Nguyễn Doãn Tuấn
Nguồn: Dalieu.vn