I. Bệnh Bowen
1.1. Đại cương
Bệnh Bowen là ung thư biểu mô tế bào vảy nông, tại chỗ. Chẩn đoán dựa vào sinh thiết. Việc điều trị tùy thuộc vào đặc điểm của khối u và có thể bao gồm nạo và đốt điện, phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị tại chỗ, đốt điện hoặc phẫu thuật lạnh.
1.1.1. Dịch tễ
Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi tùy theo vùng và từ 14,9 trường hợp / 100.000 đến 142 trường hợp/100.000 dân. Sự khác biệt giữa tỷ lệ nam và nữ không đáng kể. Hầu hết bệnh thường phát triển ở tuổi trưởng thành, với tỷ lệ cao ở bệnh nhân trên 60 tuổi.
1.1.2. Nguyên nhân
a. Yếu tố nguy cơ
Giống như các dạng ung thư da khác, bệnh của Bowen phát triển do tiếp xúc với ánh nắng kéo dài và lão hóa. Nguyên nhân của bệnh chưa sáng tỏ, virus gây u nhú phát sinh (HPV 16, 2, 34, 35) và nhiễm độc mạn tính với arsenic có mối liên quan. Type da trắng, người tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng, những người dùng thuốc gây độc tế bào, bệnh nhân sau khi cấy ghép nội tạng, và những người nhiễm HIV có nguy cơ cao phát triển bệnh này.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, những năm gần đây, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc mạn tính Arsen có biểu hiện bệnh Bowen.
1.2. Triệu chứng lâm sàng
Tổn thương của bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vùng nào trên da nhưng thường gặp ở vùng xa thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. Tổn thương có thể đơn độc hoặc liên kết thành đám gồm nhiều mảng. Da vùng tổn thương màu nâu sẫm, hơi nổi gờ trên bề mặt, nhỏ như đồng xu hoặc thành mảng rộng, có bờ hình vòng cung. Có đặc điểm là lõm ở trung tâm, xung quanh xù xì, trên phủ vảy da và vảy tiết, một số tổn thương có thể có loét (thường gặp khi đã ung thư hoá).
Bệnh Bowen tiến triển qua 2 giai đoạn: giai đoạn đầu 3- 10 năm, tổn thương tương đối ổn định; giai đoạn sau tự nhiên các đám tổn thương bị trợt, loét, sùi rất giống ung thư tế bào vảy.
1.3. Biến chứng
– Ung thư biểu mô tế bào vảy có di căn.
– Nhiễm khuẩn thứ phát
1.4. Điều trị
– Phẫu thuật loại bỏ tổn thương là ưu tiên hàng đầu, kết hợp cũng các biện pháp chăm sóc theo dõi lâu dài như chống nắng, tránh ánh sáng mặt trời, ….
– Trong trường hợp phẫu thuật không khả thi, có thể lựa chọn các phương pháp khác như: áp nito lạnh, liệu pháp quang động (PDT), thuốc bôi tại chỗ, … Tuy nhiên hiệu quả không cao bằng phẫu thuật.
II. Mối liên quan giữa thạch tín và Bệnh Bowen
1. Thạch tín là gì
Thạch tín hay còn gọi là Arsenic, tồn tại chủ yếu dưới dạng hợp chất vô cơ As2O3 và As2O5.
Thạch tín tìm thấy trong tự nhiên ở các lớp trầm tích của vỏ trái đất. Chúng ta có thể tìm thấy Arsenic trong nguồn nước ngầm, đất, đôi khi trong cả không khí Thạch tín hữu cơ: không có hại đối với cơ thể
Thạch tín vô cơ: hòa tan được trong nước, gây hại rất lớn đối với cơ thể. Trước đây, thạch tín được người dân Hy Lạp cổ đại dùng để điều trị loét hoặc tẩy lông. Năm 1786, thạch tín được bác sĩ Thomas Fowler nghiên cứu và ứng dụng điều trị các bệnh như thiết máu, bệnh bạch cầu, bệnh vảy nến, hen suyễn…
2. Ngộ độc thạch tín
– Ngộ độc cấp: viêm da dày ruột, biểu hiện tiêu chảy như nước gạo, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, ho khó thở đau ngực, tiểu máu, protein niệu.
– Ngộ độc bán cấp (1-3 tuần): triệu chứng thần kinh vận động – cảm giác, hạ bạch cầu – tiểu cầu – thiếu máu.
– Ngộ độc mạn tính: biểu hiện da đa dạng như tăng sắc tố lan tỏa, dày sừng điểm lan tỏa, ung thư biểu mô tế bào vảy thứ phát do dày sừng.
3. Tổn thương da trong ngộ độc thạch tín
Tổn thương chủ yếu gặp trong nhiễm độc arsen mạn tính, do người bệnh hấp thu arsen ở ngưỡng bình thường trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng. Thời gian xuất hiện tổn thương da phụ thuộc vào dạng arsen sử dụng, thời gian, liều, tần suất tiếp xúc với arsen, thường dao động từ 4 đến 40 năm.
Biểu hiện lâm sàng:
– Đặc trưng và phổ biến là các tổn thương dày sừng ở ngọn chi, đặc biệt lòng bàn tay lòng bàn chân. Tổn thương tiến triển từ từ và tăng dần về số lượng và kích thước. Trên lâm sàng khám thấy nhiều tổn thương sẩn dày sừng màu vàng – tăng sắc tố ở lòng bàn tay lòng bàn chân. Khi bệnh tiến triển, tổn thương về số lượng, kích thước và độ dày sừng, có thể liên kết lại với nhau. thành mảng sùi lớn. Có thể lan tỏa ra các vị trí khác ở mu tay, các phần còn lại của cơ thể. Phân độ dày sừng arsen:
+ Nhẹ: dàu sừng nhẹ dạng sẩn kích thước <2mm, sờ giống như sạn
+ Trung bình: Nhiều sẩn nổi lên, như hạt cơm, kích thước 2-5mm
+ Nặng: Sẩn dày sừng >5mm hoặc hợp lại thành mảng
– Ngoài ra có thể gặp hiện tượng rối loạn sắc tố, có thể tăng sắc tố toàn thân loang lổ, chủ yếu ở các nếp gấp. Các dát tăng sắc tố đối xứng phân bố thân mình và ngọn chi được mô tả như “hạt mưa”, và những giọt giảm sắc tố trên nền tăng sắc tố được mô tả như “hạt mưa trên con đường đầy bụi”. Tổn thương móng, đường Aldrich-Mees là một hoặc nhiều dải trắng ngang toàn bộ bề rộng của móng.
– Các tổn thương ác tính như Bowen, ung thư biểu mô tế bào vảy thể xâm nhập, ung thư biểu mô tế bào đáy trên nền da lành ở vùng hở và vùng không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
4. Đánh giá tình trạng nhiễm độc thạch tín
– Khai thác tiền sử dùng thuốc để điều trị các bệnh lý của người bệnh, nguồn nước sử dụng. Theo khuyến cáo của WHO, nồng độ giới hạn cho phép của nguồn nước (mẫu 50ml nước) là 10mcg/L.
– Với trường hợp ngộ độc cấp, định lượng arsen niệu 24 giờ với nồng độ trên 50mcg/L. Tuy nhiên tổn thương da chủ yếu gặp trong ngộ độc mạn tính, với trường hợp ngộ độc mạn, sau khi sử dụng dầu gội không chứa arsenic, 30 sợi tóc với độ dài 6cm ở nữ và 60 sợi tóc có gốc ở nam được thu thập mẫu và kiểm tra. Hoặc có thể sử dụng mẫu móng được lấy từ tất cả móng tay, móng chân. Nồng độ Arsen trên 1mg/kg tóc khô và trên 1.5mg/kg móng tay cho biết rằng bệnh nhân đã tiếp xúc với Arsenic trong 9 tháng trước đó.
III. KẾT LUẬN: Nhiễm độc Arsen mạn tính là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh Bowen (ung thư tế bào vảy ở da). Các dấu hiệu biểu hiện trên da của nhiễm độc Arsen mạn tính là các điểm dày sừng lòng bàn tay hoặc chân, các dát nâu đỏ, các sẩn dày sừng rải rác, đặc biệt là vùng da hở. Các triệu chứng này được gọi là các biểu hiện tiền ung thư. Bệnh nhân cần thăm khám hàng năm tại cơ sở y tế chuyên khoa, nhằm phát hiện và điều trị dự phòng sớm ung thư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị các bệnh trong chuyên ngành da liễu. Chủ biên: PGS. TS Nguyễn Văn Thường
2. Fitzpatrick’s Dermatology, Ninth Edition (Fitzpatricks Dermatology in General Medicine) 9th Edition
3. Bowen’s disease – a review of newer treatment options, Thorsten Neubert and Percy Lehmann
4. Chronic arsenic poisoning, Toxicology Letters10 March 2002, Pages 69-72
5. Human Health Effects From Chronic Arsenic Poisoning–A Reviev Simon kapaj , hans peterson , karsten liber & prosun bhattacharya
Tác giả: TS.BS Nguyễn Hữu Quang – BVDLTW
Nguồn: Dalieu.vn (Bệnh viện Da liễu Trung ương)