1.Tổng quan về ung thư da
Ung thư da là một trong các ung thư thường gặp, đa số được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Ung thư da là các ung thư xuất phát từ biểu mô da, gồm nhiều lớp tế bào. Ung thư da bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô vảy, ung thư hắc tố, ung thư tuyến phụ thuộc của da. Bệnh thường xuất hiện ở vùng da hở với tỷ lệ 90% ở vùng đầu mặt cổ. Tỉ lệ mắc ung thư da ở Việt Nam vào khoảng 2,9-4,5/100.000 dân.
2. Nguyên nhân gây ung thư da
Bức xạ tia cực tím: ánh sáng mặt trời là nguyên nhân thường gặp nhất của ung thư da, ngoài ra còn có các loại đèn phát tia cực tím như đèn hồ quang các- bon, thủy ngân,…
Một số hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư da: Bệnh khô da sắc tố, hội chứng tế bào đáy dạng nơ-vi (Nevoid basal cell syndrome), Hội chứng Gardner, hội chứng Torres.
Các bệnh lý da có từ trước: dày sừng ánh sáng, bệnh bowen, nhiễm virus HPV, viêm da mạn tính, sẹo bỏng, loét lâu liền…
Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư: arsen, nhựa đường, nhựa than đá, dầu nhờn, thuốc trừ sâu diệt cỏ
3. Các phương pháp phòng ngừa ung thư da
3.1 Tránh ánh nắng mặt trời
Đặc biệt là ánh nắng mặt trời vào buổi trưa (10-16 giờ), đây là lúc ánh nắng mặt trời gay gắt nhất. Nắng buổi trưa có rất nhiều tia bức xạ UV, những đám mây thường không thể chặn được các tia này. Những tia nắng mặt trời mạnh sẽ làm da bạn bị bỏng, cháy nắng, những tổn thương này qua một thời gian dài sẽ làm tăng khả năng xuất hiện ung thư da.
3.2 Bôi kem chống nắng và thoa lại kem thường xuyên
Kem chống nắng không chắn tất cả các bức xạ tia cực tím có hại nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm các tổn thương đến da. Sử dụng kem chống nắng với chỉ số chống nắng SPF ít nhất là 15. Hãy bôi kem chống nắng lên khắp cơ thể bạn 30 phút trước khi ra ngoài trời nắng, giúp giảm nguy cơ và ngăn ngừa ung thư da đáng kể. Nếu sử dụng đúng cách, kem chống nắng có SPF 15 sẽ giúp bảo vệ làn da trong 150 phút. Kem chống nắng có SPF 15 có hiệu quả lọc ra khoảng 93% các tia UVB chiếu đến da bạn, còn đối với SPF 30 thì con số này là 97% và SPF 50 là 98%. Bạn hãy thoa nhiều kem và thoa lại sau mỗi hai giờ hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đi bơi hoặc đổ mồ hôi. Hãy thoa kem ở mọi nơi trên cơ thể bạn có thể tiếp xúc với ánh nắng, bao gồm cả môi, tai, lưng bàn tay và cổ.
3.3 Mặc quần áo chống nắng, vật dụng bảo vệ
Kem chống nắng không bảo vệ da bạn hoàn toàn khỏi tia UV. Vì vậy, bạn nên tăng cường bảo vệ bằng cách mặc quần áo che phủ cả cánh tay và chân, sử dụng mũ rộng vành, đeo kính râm để che khuôn mặt bạn khỏi ánh nắng mặt trời.
3.4 Không nên dùng giường tắm nắng nhân tạo hoặc ánh sáng phát ra tia cực tím
Đèn sử dụng trong những giường tắm nắng nhân tạo có thể phát ra tia UV làm tăng nguy cơ ung thư da.
3.5 Tránh các loại thuốc làm da nhạy cảm với ánh nắng
Một số loại thuốc, kể cả thuốc kháng sinh, có thể làm cho làn da của bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn về các tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào bạn đang sử dụng. Nếu chúng làm tăng độ nhạy cảm da của bạn khi ra ngoài ánh nắng mặt trời, bạn hãy đổi thuốc hoặc cố gắng tránh ra ngoài trong quá trình dùng thuốc.
3.6 Khám da thường xuyên
Kiểm tra da của bạn thường xuyên để xem có những bất thường gì mới không như nốt ruồi, u da, tổn thương da mạn tính, giúp phát hiện hoặc ngăn ngừa ung thư da. Nếu xuất hiện tổn thương có thay đổi về màu sắc, kích thước, đường viền không rõ nét, không đối xứng cần phải đến khám tại cơ sở y tế. Thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ, tránh và điều trị kịp thời các triệu chứng viêm nhiễm trên da. Điều trị sớm các bệnh lý da mạn tính, các vết loét lâu liền.
Tác giả: Ths.Bs Vũ Đình Tâm- BVDLTW
Nguồn: Dalieu.vn ( Bệnh viện Da liễu Trung ương)