1. Đại cương
Corticoid dùng tại chỗ là một phương pháp điều trị, có từ những năm 1950, rất phổ biến trong các bệnh da liễu. Mặc dù tác dụng phụ corticoid đã được biết từ lâu như teo da, giãn mạch, bội nhiễm nấm…, nhưng gần đây tình trạng nghiện corticoid tại chỗ ngày càng được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, chưa có một thống nhất rõ ràng về định nghĩa, dấu hiệu lâm sàng của nghiện corticoid bôi. Tình trạng nghiện corticoid bôi là một tình trạng khó điều trị, cần phòng tránh và quản lý lâu dài.
Nghiện corticoid bôi được định nghĩa là tình trạng tổn thương da mới xuất hiện khi ngừng corticoid bôi. Tổn thương da mới có thể nặng hơn hoặc hình thái khác so với tổn thương da ban đầu. Ngoài ra, có thể kèm theo các vấn đề về tâm lý.
Các thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng nghiện corticoid bôi: topical corticosteroid/steroid addiction/withdrawal, red skin syndrome…
2. Yếu tố nguy cơ
- Lớp sừng tăng tính thấm (đặc biệt ở mặt, sinh dục)
- Bệnh lý da trước đó gây tổn thương da: viêm da cơ địa, trứng cá, trứng cá đỏ, viêm da quanh miệng
- Thời gian dùng corticoid: kéo dài trên 2 tháng
- Cường độ corticoid: trung bình – mạnh
- Tần suất bôi: trên 1 lần/ngày
3. Sinh bệnh học
- Cơ chế chưa rõ ràng, các giả thuyết được đưa ra bao gồm:
- Rối loạn điều hòa các thụ thể glucocorticoid tại da
- Phản ứng giãn mạch thông qua các chất trung gian như NO, histamin…
- Hàng rào da bị tổn thương gây ra một chuỗi phản ứng bất thường cytokin.
4. Lâm sàng
Triệu chứng của nghiện corticoid bôi thường xuất hiện sau vài ngày cho đến vài tuần dừng sử dụng corticoid bôi.
Nổi bật của tình trạng nghiện corticoid bôi là các triệu chứng cơ năng như: cảm giác ngứa, châm chích, bỏng rát, đau kèm theo mất ngủ, trầm cảm. Tổn thương cơ bản thường gặp: ban đỏ, sẩn mủ dạng trứng cá/trứng cá đỏ, phù nề, tiết dịch, bong vảy da. Tổn thương có thể lan rộng ra các vùng da xung quanh không bôi corticoid trước đó. Một nghiên cứu trên 1085 bệnh nhân có triệu chứng của nghiện corticoid bôi thấy vị trí thường gặp nhất là mặt và sinh dục (99%), đa số ở phụ nữ (81%). Cảm giác châm chích và bỏng rát thường gặp nhất (65,5%) và triệu chứng phổ biến nhất là đỏ da (92,3%). Một số dấu hiệu đặc trưng được các tác giả mô tả là:
- Dấu hiệu tay áo đỏ (red sleeve sign): ban đỏ ở vùng cẳng tay, cẳng chân và không bị ở lòng bàn tay chân, ranh giới rõ với da lành.
- Nếp nhăn con voi (elephant wrinkles): da dày nhưng giảm độ chun giãn, hay ở mặt duỗi các chi.
- Dấu hiệu đèn pha (headlight sign): Mũi và vùng quanh mũi không bị tổn thương, tổn thương chủ yếu từ má cho đến tai.
Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng của dùng corticoid lâu dài như giãn mạch, teo da, rậm lông, bội nhiễm nấm…
Tiêu chuẩn chẩn đoán trong một nghiên cứu của Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ đưa ra:
(A) Tổn thương da xuất hiện sau vài ngày đến vài tuần ngừng sử dụng corticoid tại chỗ, đã dùng vài tháng trước đó. Tổn thương có thể nặng hơn so với trước khi điều trị.
(B) Tổn thương ban đầu xuất hiện chủ yếu ở vùng đã bôi corticoid trước đó, nhưng có thể lan ra rộng hơn.
(C) Các tổn thương tự thoái triển sau khi ngừng hẳn corticoid bôi một thời gian.
Một số tác giả chia tình trạng nghiện corticoid bôi thành các giai đoạn
Giai đoạn 1: Đỏ da cấp tính, phù nề, chảy dịch ngay sau vài ngày ngừng corticoid tại chỗ.
Giai đoạn 2: Bong vảy, khô, ngứa.
Giai đoạn 3: Bắt đầu phục hồi nhưng nhạy cảm với những kích thích rất nhỏ. Các đợt bùng phát và phục hồi xen kẽ nhau. Mức độ nhạy cảm giảm dần theo thời gian.
Giai đoạn 4: Hồi phục hoàn toàn, da trở về bình thường, có thể mất từ vài tuần đến vài năm
Theo lâm sàng, có thể chia tình trạng nghiện corticoid thành 2 thể:
- Thể ban đỏ phù nề: hay gặp ở bệnh nhân sử dụng corticoid trong các bệnh về dị ứng cơ địa (viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc)
- Thể sẩn mụn mủ: hay gặp ở bệnh nhân dùng corticoid trong các bệnh về thẩm mỹ như trứng cá, sắc tố
5. Chẩn đoán phân biệt
- Tình trạng nặng lên của bệnh da viêm.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Trứng cá đỏ
- Lupus ban đỏ hệ thống
Một số trường hợp khó để phân biệt với bệnh da viêm trước đó, cần lưu ý tình trạng nghiện corticoid bôi khi có các dấu hiệu:
- Cảm giác châm chích bỏng rát nhiều hơn cảm giác ngứa
- Ban đỏ lan tỏa hơn là theo từng mảng
- Xuất hiện thêm tổn thương ở vị trí khác
- Tiền sử sử dụng corticoid bôi loại trung bình – nặng kéo dài liên tục
Xét nghiệm mô bệnh học của tình trạng da này không đặc hiệu, do đó không dùng để chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt. Để phân biệt được với viêm da tiếp xúc dị ứng, có thể sử dụng test áp
6. Điều trị
Chưa có đồng thuận và hướng dẫn cụ thể thống nhất để điều trị tình trạng nghiện corticoid bôi, chủ yếu là giảm dần và cắt hoàn toàn corticoid bôi tại chỗ.
- Thay đổi lối sống: chế độ ăn uống hạn chế chất kích thích, giảm stress
- Hỗ trợ tâm lý, an thần, kháng histamin.
- Giảm dần và cắt hẳn corticoid bôi tại chỗ
- Sử dụng thuốc ức chế calcineurin tại chỗ, crisaborol, dưỡng ẩm, liệu pháp ánh sáng, kháng sinh nhóm cyclin, cyclosporin, dupilumab…
7. Tiên lượng
Tình trạng có thể cải thiện và khỏi sau vài tuần cho đến một năm, 76,7% trường hợp sẽ cải thiện trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên có thể kéo dài dai dẳng trên 1 năm (khoảng 5% trường hợp), thậm chí kéo dài trên 5 năm.
8. Hiện tượng sợ corticoid bôi (corticoid phobia)
Vì kiến thức về các tác dụng phụ của corticoid ngày càng dễ tiếp cận, nhưng đôi lúc bị thái quá và hiểu chưa đầy đủ, hiện tượng sợ corticoid cũng bùng lên một cách nhanh chóng. Các bệnh nhân được kê đơn thuốc sử dụng trong điều trị bệnh da, mặc dù đã đúng chỉ định, liều lượng, cường độ corticoid phù hợp, không sử dụng corticoid hoặc không tuân thủ chỉ định. Đây cũng là một ảnh hưởng tiêu cực vì việc không tuân thủ điều trị làm việc kiểm soát bệnh khó hơn và mất nhiều thời gian hơn.
9. Phòng bệnh
Giải thích cho bệnh nhân được vai trò của corticoid đồng thời cùng các tác dụng phụ gặp phải khi dùng lâu dài để bệnh nhân tuân thủ điều trị, không sợ cũng như không lạm dụng corticoid bôi tại chỗ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hajar T, Leshem Y, Hanifin J, et al. A systematic review of topical corticosteroid withdrawal (‘steroid addiction’) in patients with atopic dermatitis and other dermatoses. J Am Acad Dermatol . 2015 Mar;72(3):541-549.e2.
2. Sean Yilong Tan et al (2021). Steroid Phobia: Is There a Basis? A Review of Topical Steroid Safety, Addiction and Withdrawal. Clin Drug Investig . 2021 Oct;41(10):835-842.
3. Berger T, Francis-Lyon P, Parker J, Friedman P, Sengar P, Owens J. Analysis of patient-reported symptoms with respect to TCS usage: a self-identified cohort of patients with RSS/TSA/TSW. J Am Acad Dermatol. 2017;76(6):AB44.
4. Li AW, Yin ES, Antaya RJ. Topical corticosteroid phobia in atopic dermatitis: a systematic review. JAMA Dermatol. 2017;153(10):1036–42
5. Ahuja K, Lio P. Topical Steroid Withdrawal Syndrome: A Retrospective Chart Review in a Specialty Center. Journal of Integrative Dermatology. Published online May 1, 2023
6. Chandrashekar B S, et al. Efficacy and safety of low dose oral isotretinoin for the treatment of steroid induced rosacea- a retrospective study, European Journal of Molecular & Clinical Medicine ISSN 2515-8260 Volume 09, Issue 06, 2022
7. Marissa Contento, Abigail Cline, Marian Russo. Steroid Phobia: A Review of Prevalence, Risk Factors, and Interventions. Am J Clin Dermatol . 2021 Nov;22(6):837-851. doi: 10.1007/s40257-021-00623-6. Epub 2021 Jul 21.
Tác giả: THS.BSNT Hồ Phương Thùy – Phòng Chỉ Đạo Tuyến – BVDLTW
Nguồn: Dalieu.vn