Mày đay mạn tính là bệnh lý thường gặp với triệu chứng sẩn phù hoặc phù mạch hoặc cả hai xuất hiện hàng ngày hoặc gần như hàng ngày trong thời gian trên 6 tuần. Nguyên nhân của mày đay mạn tính vẫn chưa được hiểu đầy đủ nên nguyên tắc kiểm soát mày đay mạn tính hiện nay bao gồm tránh các tác nhân kích thích và điều trị triệu chứng.
1. Tránh các tác nhân kích thích
Người bệnh cần nhận ra và cố gắng tránh các tác nhân kích thích đặc hiệu gây ra hoặc làm nặng thêm triệu chứng mày đay của mình. Các yếu tố không phải là nguyên nhân, nhưng có thể kích thích làm xuất hiện hoăc nặng thêm triệu chứng mày đay mạn tính như:
- Các tác nhân vật lý như cào gãi, chà xát; rung như cầm vô lăng, cầm máy cắt cỏ; áp lực như mặc quần áo chật, bó sát, đeo thắt lưng chặt; nhiệt như tắm nước nóng, lạnh, môi trường nóng, lạnh, gió lạnh, độ ẩm quá cao; ánh sáng mặt trời; tập thể dục có thể làm nặng thêm mày đay mạn tính.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở nhiều bệnh nhân. Paracetamol không làm nặng thêm mày đay mạn tính, vì vậy có thể dùng thuốc này để điều trị đau và hạ sốt thay thế
- Một số thực phẩm như thực phẩm cay, nhiều gia vị, rượu và thực phẩm, phụ gia thực phẩm chứa chất gây dị ứng hoặc nhiều histamine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, mặc dù dị ứng thực phẩm không phải là nguyên nhân gây ra mày đay mạn tính. Nếu triệu chứng của người bệnh xuất hiện hoặc trở nên nặng hơn khi ăn một số loại thực phẩm, hãy cố gắng tránh những thực phẩm đó. Tuy nhiên, không khuyến cáo ăn kiêng nghiêm ngặt để kiểm soát mày đay mạn vì việc tuân thủ các chế độ ăn kiêng khó khăn, và bằng chứng về lợi ích của ăn kiêng đối với mày đay mạn tính chưa nhiều.
- Nhiễm trùng, bệnh viêm mạn tính: Một số nghiên cứu cho thấy mỗi liên quan giữa bệnh nhiễm trùng như nhiễm Helicobacter pylori, viêm gan A, viêm gan C, nhiễm khuẩn vùng mũi họng, ký sinh trùng đường ruột; bệnh viêm mạn tính như viêm dạ dày, viêm thực quản trào ngược, hoặc viêm ống mật, túi mật với mày đay mạn tính. Mặc dù các bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh nhiễm trùng, viêm mạn này với mày đay mạn tính còn ít, nhưng các bệnh này nên được điều trị nếu đã được chẩn đoán xác định.
- Căng thẳng, thiếu ngủ: triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện hoặc khó kiểm soát trong giai đoạn người bệnh căng thẳng hoặc có thời gian ngủ ít.
- Nhận biết và cố gắng tránh các yếu tố kích thích hoặc kiểm soát chúng dưới ngưỡng kích thích rất quan trọng trong kiểm soát mày đay mạn tính. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là trong nhiều trường hợp việc tránh các tác nhân kích thích có thể giúp giảm triệu chứng, nhưng có thể không đủ để kiểm soát bệnh và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu phải tránh quá nhiều các hoạt động.
2. Tuân thủ điều trị
Do sự hoạt hóa và khử hạt của tế bào mast đóng vai trò trung tâm trong cơ chế bệnh sinh, có nhiều loại thuốc điều trị triệu chứng khác nhau trong mày đay mạn tính nhưng cơ bản đích tác dụng vẫn tập trung vào tế bào mast:
- Ngăn chặn tác dụng của các hóa chất trung gian do tế bào mast giải phóng như các thuốc kháng histamin H1 cạnh tranh với histamin giải phóng bởi tế bào mast trên thụ thể H1
- Ngăn chặn sự hoạt hóa tế bào mast như omalizumab, cyclosporin
Người bệnh cần tuân thủ điều trị thuốc kháng histamine theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát mày đay mạn tính có hiệu quả. Sử dụng thất thường hoặc chỉ khi cần thiết có thể làm giảm hiệu quả kiểm soát bệnh của thuốc.
Tài liệu tham khảo
Zuberbier, T., Abdul Latiff, A. H., Abuzakouk, M., et al. The international EAACI/GA²LEN/EuroGuiDerm/APAAACI guideline for the definition, classification, diagnosis, and management of urticaria. Allergy 2022. 77(3), 734–766.
Grattan C. Autoimmune chronic spontaneous urticaria. J Allergy Clin Immunol 2018; 141:1165.
Grob JJ, Auquier P, Dreyfus I, Ortonne JP. How to prescribe antihistamines for chronic idiopathic urticaria: desloratadine daily vs PRN and quality of life. Allergy 2009; 64:605.
Viết bài: Trung tâm thử nghiệm lâm sàng
Đăng bài: Phòng Công tác xã hội